Tin tức
5 GỢI Ý ĐỂ BẮT ĐẦU MỘT CÔNG TY STARTUP MÀ CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Nếu bạn đang có dự định mở một công ty startup, bạn có thể bắt đầu bằng việc tìm kiếm lời khuyên từ những người xung quanh. Có rất nhiều gợi ý để bạn có thể bắt đầu việc kinh doanh mới, bạn chỉ cần chọn một trong rất nhiều gợi ý đó nhằm tránh việc bị bối rối và mất phương hướng.
Là một doanh nhân, tôi có thể tự tin nói với bạn rằng không có một công thức hoàn hảo nào ngoài kia để bắt đầu một doanh nghiệp cả. Tôi đã học được rằng lời khuyên tốt nhất trong kinh doanh là bạn phải suy nghĩ theo một hướng mới và đừng bó buộc những ý tưởng của chính mình. Tôi đã tổng hợp lại một số gợi ý để bạn có thể tham khảo nhằm bắt đầu công ty startup mà bạn có thể chưa từng được nghe đến trước đây.
Mở một công ty kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc bạn phải học hỏi trong mọi bước đi, mọi quá trình bạn phát triển công ty. Nhưng, khi bạn đưa ra những quyết định thông minh càng sớm thì cơ hội để công ty của bạn đạt được thành công càng lớn hơn. Sau đây là 5 gợi ý dành cho bạn.
1. Xác định những lí do
Có vô số những con người ước mơ trở thành doanh nhân, nhưng họ không bao giờ có thể thực hiện được giấc mơ đó. Họ bị đè nặng bởi sự trì hoãn và nỗi sợ thất bại. Từ tiền đến thời gian đến trách nhiệm, chúng ta có thể kể ra vô số lí do cho việc không dám bắt đầu việc kinh doanh.
Hãy đối mặt với điều đó. Việc trở thành ông chủ của chính mình có vẻ như rất đáng sợ. Trong hầu hết trường hợp thì những người chủ doanh nghiệp mới có rất ít hiểu biết về cơ hội thành công hơn là những nỗi sợ về thất bại. Vậy nên việc lo lắng về những rủi ro trong kinh doanh là một điều hết sức bình thường.
Những lí do chỉ ngăn cản bạn chạm đến những mục tiêu mà thôi. Nếu bạn thực sự muốn khởi nghiệp, bạn cần xác định những lí do mà bạn nghĩ là bạn không thể bắt đầu và cố gắng vượt qua chúng. Hãy tìm những giải pháp đề giải quyết vấn đề thay vì để những vấn đề này kéo bạn lại phía sau.
2. Thu thập mọi thứ
Hãy lắng nghe tất cả những gì mà mọi người xung quanh nói – bạn bè, gia đình, chuyên gia, thậm chí là bản thân bạn. Khi nói đến những mục tiêu kinh doanh, bạn hãy trở thành một miếng bọt biển. Hãy tiếp thu mọi thứ rồi hình thành nên những ý tưởng, sau đó viết tất cả mọi thứ ra giấy. Hãy ghi chú lại tất cả nguồn thông tin mà bạn có được rồi phát triển chúng thành một kế hoạch chi tiết.
Khi bạn nói với mọi người về công ty khởi nghiệp của mình thì hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của họ. Liệu họ có thích ý tưởng của bạn hay không? Hay họ chỉ tỏ vẻ tốt bụng nhưng thật chất lại nghĩ rằng bạn đang đi sai hướng rồi? Bạn cần thuyết phục người nghe cho bạn ý kiến thành thật nhất. Việc thu thập những ý kiến này có thể là một ý tưởng tốt về việc khách hàng của bạn sẽ phản ứng như thế nào về sản phẩm của bạn.
Đừng phớt lờ sức mạnh của những lời khuyên từ những chuyên gia và những doanh nhân khác. Họ là những người biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Một doanh nhân thông minh là một người biết tránh những sai lầm mà những doanh nhân khác đã từng mắc phải.
3. Đưa ra giải pháp
Đừng kinh doanh chỉ bằng việc nghĩ rằng mình nên bán một cái gì đó, hãy bắt đầu bằng việc nghĩ rằng sản phẩm bạn bán có thể giải quyết được vấn đề gì cho khách hàng. Bạn sẽ dễ dàng được nhiều khách hàng ủng hộ khi giúp họ sửa chữa hoặc đưa ra được giải pháp hiệu quả. Công ty khởi nghiệp của bạn nên lấp đầy một lỗ hổng nào đó trong một thị trường nhất định hoặc một ngách nhỏ nào đó của thị trường.
Ví dụ: tôi không tạo ra phần mềm mang tên X chỉ vì tôi có niềm đam mê với việc tạo ra phần mềm. Tôi muốn giải quyết một vấn đề mà hầu hết các chủ doanh nghiệp như tôi cũng đang gặp phải. Phần mềm này sẽ cung cấp các công cụ về kế toán, sổ sách và tính lương một cách dễ dàng và tiện dụng nhất.
4. Tính toán chi phí
Khi bạn bắt đầu phát triển những ý tưởng cho công ty khởi nghiệp của bạn thì hãy tính toán mức chi phí mà ý tưởng này có thể tiêu tốn là bao nhiêu. Bạn sẽ cần tính toán đến mọi chi phí cần thiết để mở và vận hành một công ty. Hãy ghi nhớ những chi phí như chi phí cho địa điểm đặt địa chỉ văn phòng đại diện, chi phí thuê văn phòng riêng, chi phí trả cho nhà cung cấp, chi phí trả cho marketing,…
Hãy tính toán một con số hợp lí nhất cho tất cả mọi chi phí và nhân gấp 4 lần con số đó lên. Tôi đang nghiêm túc đó, hãy nhân gấp 4 lần nhé. Bởi vì trong quá trình hoạt động, chắc chắn sẽ có lúc bạn gặp phải những vấn đề không mong muốn. Vậy nên sẽ tốt hơn nếu bạn chuẩn bị trước mọi thứ.
Khi tính toán chi phí kinh doanh, đừng quên tính toán luôn cả chi phí cho cá nhân của bạn. Hãy tính toán xem bạn cần bao nhiêu tiền để sống, bao gồm tiền thuê nhà, tiền thức ăn, tiền gas, tiền chăm sóc sức khỏe,…và bao nhiêu để bạn có thể đảm bảo được cuộc sống cá nhân khi công việc kinh doanh chưa mang về lợi nhuận.
5. Tiếp tục kiếm tiền trong khi xây dựng công ty
Nếu bạn muốn bắt đầu một công việc kinh doanh nhỏ thì đừng nên vội từ bỏ công việc hiện tại. Kinh doanh thành công là một quá trình đòi hỏi bạn phải bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của và thời gian. Hãy xây dựng công việc kinh doanh của bạn qua từng giai đoạn khác nhau và dần dần chuyển từ nhân viên sang doanh nhân.
Khi bạn là chủ doanh nghiệp thì sẽ cần một thời gian nhất định để có được thu nhập ổn định. Hãy giữ công việc chính của bạn và đầu tư vào công việc kinh doanh ngoài giờ làm việc. Bạn có thể vừa đảm bảo được nguồn thu nhập và vượt qua được giai đoạn khó khăn. Khi công việc kinh doanh bắt đầu có được dòng tiền dương thì bạn có thể bắt đầu nghĩ đến việc làm một chủ doanh nghiệp toàn thời gian.
Nguồn: forbes.com