G-OFFICE

G-OFFICE

G-OFFICE

Tin tức

MÔ HÌNH KINH DOANH CANVAS DÀNH CHO CÁC CÔNG TY KHỞI NGHIỆP

Mô hình kinh doanh Canvas thích hợp áp dụng cho các công ty startup nhằm tinh gọn các chi tiết phức tạp, đồng thời tập trung vào những khía cạnh quan trọng cần quan tâm trong kinh doanh.

I. Mô hình kinh doanh Canvas dành cho các công ty khởi nghiệp là mô hình như thế nào?

Mô hình kinh doanh Canvas là một giải pháp nhanh chóng và tinh gọn thay thế cho những kế hoạch kinh doanh phức tạp và khô khan. Bằng các mô phỏng trực quan và sinh động, nó sẽ giúp bạn nhìn thấu được hầu hết các khía cạnh quan trọng của một công ty khởi nghiệp – chẳng hạn như sản phẩm hoặc dịch vụ, thị trường mục tiêu hay những nguồn lực bạn cần để bắt đầu – tất cả được biểu thị dưới dạng một biểu đồ tóm tắt.

Mô hình canvas là gì?

II. Khi nào bạn nên sử dụng mô hình kinh doanh Canvas?

Tại sao bạn muốn sử dụng mô hình kinh doanh Canvas thay cho các kế hoạch kinh doanh truyền thống? Dưới đây là một vài tình huống mà mô hình kinh doanh Canvas có thể phát huy được giá trị.

  • Đột nhiên bạn phát hiện ra một cơ hội tiềm năng: Đó có thể là một địa điểm nhà hàng cho thuê trong chính xác khu vực mà bạn đang mong muốn mở nhà hàng. Hoặc đó có thể là cơ hội để bạn hợp tác với một đối tác có nhiều nguồn lực có thể cung cấp cho bạn để bạn bắt đầu công việc kinh doanh. Sử dụng mô hình kinh doanh Canvas có thể giúp bạn thực hiện mọi thứ nhanh chóng trước khi cơ hội biến mất.
  • Bạn muốn đánh bại đối thủ: Nếu bạn có một ý tưởng kinh doanh sáng tạo, chẳng hạn như một phần mềm hay một phát minh mới thì việc sử dụng mô hình kinh doanh Canvas sẽ giúp bạn trở thành người đầu tiên thâm nhập vào thị trường. Trong một lĩnh vực có nhiều sự cạnh tranh cao thì những công ty khởi nghiệp khác đều đang lên kế hoạch ra mắt sản phẩm tương tự như sản phẩm của bạn. Lúc đó thì mô hình kinh doanh Canvas có thể giúp bạn vượt lên trên đối thủ.
  • Bạn không cần hỗ trợ tài chính từ nguồn lực bên ngoài: Nếu bạn đang cố gắng vay ngân hàng hay có được nguồn vốn đổ vào từ các nhà đầu tư thiên thần hay các nhà đầu tư mạo hiểm thì bạn cần có những kế hoạch kinh doanh theo mô hình truyền thống để thể hiện rõ các nguồn lực tài chính của công ty. Nhưng trong trường hợp bạn có đủ số vốn để khởi nghiệp thì không có luật lệ nào nói rằng bạn phải đi theo những định dạng của kế hoạch kinh doanh truyền thống cả.
  • Bạn muốn đánh giá nhanh chóng về khả năng sống sót của các ý tưởng kinh doanh: Viết một bản kế hoạch kinh doanh truyền thống sẽ giúp phát hiện ra những sai sót trong ý tưởng của bạn, tuy nhiên, mô hình kinh doanh Canvas có thể giúp bạn tìm ra những vấn đề một cách nhanh chóng hơn. Khi sử dụng mô hình kinh doanh Canvas, bạn có thể đưa ra được quyết định nhanh chóng rằng ý tưởng của bạn có khả thi hay không hay bạn cần xem xét lại hoặc hủy bỏ nó và nhanh chóng đưa ra những ý tưởng mới.

III. Mô hình kinh doanh Canvas dành cho các công ty khởi nghiệp bao gồm những gì?

Mô hình kinh doanh Canvas dành cho các công ty khởi nghiệp mang đến một tầm nhìn rộng hơn cho các ý tưởng kinh doanh và tập trung vào những vấn đề quan trọng mà bạn sẽ cần thực hiện đến khi chúng khả thi. Mô hình này được phát triển bởi Alexander Osterwalder, nó thuộc dạng tài liệu biểu đồ được tạo thành từ 9 yếu tố cốt lõi giúp cho doanh nghiệp của bạn tạo ra doanh thu. 9 yếu tố này bao gồm:

9 yếu tố chính của mô hình Canvas

1. Những đối tác quan trọng: 

Khách hàng của bạn là ai, nhà cung cấp của bạn là ai, đối tác của bạn là ai và những nguồn lực nào khác có thể giúp bạn đạt được mục tiêu trong những hoạt động kinh doanh quan trọng. Hãy xác định thật chi tiết những đối tượng này.

2. Những hoạt động quan trọng: 

Những hoạt động quan trọng nhất nào mà bạn sẽ cần thực hiện để tối ưu các đề xuất quan trọng có ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, tăng cường mối quan hệ vững mạnh với khách hàng, những kênh nào là kênh phân phối an toàn và những hoạt động nào có thể tối đa hóa nguồn doanh thu.

3. Những nguồn lực quan trọng: 

Nguồn lực quan trọng nào cần để bắt đầu và xây dựng doanh nghiệp của bạn và tạo ra được giá trị cho khách hàng.

4. Đề xuất giá trị độc nhất: 

Những sản phẩm hay dịch vụ nào mà bạn đang lên kế hoạch đề xuất khách hàng sử dụng? Những sản phẩm hay dịch vụ này có thể đáp ứng được nhu cầu nào của khách hàng? Doanh nghiệp của bạn có sự khác biệt gì so với những đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực?

5. Phân khúc khách hàng: 

Nhóm khách hàng mà doanh nghiệp của bạn phục vụ là những ai? Hãy xác định các cá thể khách hàng mà doanh nghiệp của bạn có thể mang đến giá trị cho họ.

6. Mối quan hệ với khách hàng: 

Bạn sẽ xây dựng mối quan hệ như thế nào đối với các phân khúc khách hàng khác nhau? Mối quan hệ như thế nào mà khách hàng ở các phân khúc khác nhau mong đợi?

7. Kênh: 

Những phương pháp phân phối nào mà công ty bạn sẽ sử dụng để vận chuyển sản phẩm hoặc dịch vụ đến với thị trường mục tiêu?

8. Cơ cấu chi phí: 

Chi phí để bắt đầu và duy trì doanh nghiệp của bạn là bao nhiêu? Những nguồn lực hay hoạt động nào sẽ có chi phí tốn kém nhất?

9. Các nguồn doanh thu: 

Làm thế nào mà doanh nghiệp của bạn tạo ra được doanh thu? Làm thế nào mà bạn định giá cho sản phẩm và dịch vụ của công ty bạn? Công ty bạn còn có thể thu được các nguồn doanh thu tiềm năng nào khác không?  

Bạn có thể tạo ra mô hình kinh doanh Canvas trên giấy hoặc trên bảng trắng. Hoặc hiện nay cũng có những ứng dụng bạn có thể sử dụng để tạo ra mô hình kinh doanh Canvas, chúng cho phép bạn kết hợp thêm các thông tin, dễ dàng lưu trữ và chia sẻ.

Hãy nhớ rằng, cả kế hoạch kinh doanh truyền thống và mô hình kinh doanh Canvas đều có thể hỗ trợ startup của bạn đánh giá các ý tưởng và đưa ra những quyết định quan trọng ngay ở bước xây dựng công ty khởi nghiệp.

Tất nhiên là bạn cũng có thể sử dụng cả hai phương pháp nếu bạn muốn. Rất nhiều các doanh nhân đã bắt đầu bằng mô hình kinh doanh Canvas – mô hình giúp họ có bước khởi đầu nhảy vọt và sau đó xây dựng một kế hoạch kinh doanh truyền thống khi doanh nghiệp đã đi xa hơn.

Nguồn: forbes.com

Bài viết liên quan:

Khởi nghiệp là gì? Phân loại công ty khởi nghiệp

Mẹo gọi vốn thành công cho công ty khởi nghiệp

Dropshipping là gì? Mô hình dropshipping hoạt động như thế nào?​

5 lợi ích hàng đầu của không gian văn phòng ảo cho công ty khởi nghiệp